Đi qua địa phận xã Quốc Tuấn (Nam Sách) thật dễ cảm nhận hương thơm thoảng bay lan theo gió từ những bó hương đỏ rực như những bông hoa phơi dọc hai bên đường. Mùi hương dịu nhẹ như mời gọi, nâng bước chân ai muốn ghé thăm vùng làm hương truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm.
Lưu giữ truyền thống
Nghề làm hương ở Quốc Tuấn có từ bao giờ không ai nhớ rõ, nhưng có thể khẳng định rằng nghề này đã gắn bó với người dân xã Quốc Tuấn từ hàng trăm năm nay. Hiện nay ở Quốc Tuấn có nhiều gia đình vẫn giữ được nghề làm hương truyền thống từ nhiều đời truyền lại.
Ông Trần Văn Thọ, thôn Đông Thôn đã là thế hệ thứ tư theo nghề làm hương. Theo ông Thọ, nghề làm hương không chỉ mang lại kinh tế khá giả cho gia đình mà còn là để bày tỏ lòng biết ơn, lưu giữ nghề truyền thống mà ông cha bao đời gây dựng. Ông tự hào rằng tới nay hai người con của ông đều theo nghề mà ông cha để lại, mở được cơ sở sản xuất riêng và đều có thu nhập khá giả.
Chia sẻ về nghề này, ông Thọ cho biết: Để làm ra một nén hương nhỏ không chỉ cần một bàn tay khéo léo mà phải có một cái tâm sáng. Bởi đây không đơn thuần là một sản phẩm hàng hóa, mà còn là một trong những yếu tố không thể thiếu trong tâm linh tín ngưỡng của dân tộc ta. Đó là nét đẹp văn hóa thể hiện sự tưởng nhớ, biết ơn đến tổ tiên của mình khi vào mỗi dịp lễ Tết, mùng một, ngày rằm, cùng với những mâm lễ hoa quả thì luôn có những nén nhang thơm trên bàn thờ ông bà, tổ tiên mang lại sự ấm cúng cũng như sự kết nối tâm linh khi khói hương lan tỏa.
Chính vì vậy nên mặc dù những năm gần đây, khi máy móc công nghệ được đưa vào để tăng năng suất thì các công đoạn để làm ra nén hương vẫn phải tuân thủ đủ theo quy trình, đặc biệt khá nhiều bạn hàng lúc đầu, thể theo thị hiếu thị trường đặt chúng tôi làm loại hương đốt lên phải quăn, đẹp, vì họ cho rằng hương đốt phải quăn mới có lộc. Việc thỏa mãn yêu cầu trên đối với làng nghề chúng tôi không khó. Nhưng để làm được hương đốt cuốn vòng phải pha chế vào nguyên liệu một lượng hóa chất khá độc hại. Vì lợi nhuận mà sản xuất ra loại hương có hại cho sức khỏe người tiêu dùng thì tâm đức của người làng nghề không cho phép. Cho đến nay hương liệu làm hương của làng nghề chúng tôi được làm hoàn toàn từ thảo mộc, không sử dụng hóa chất, vừa thơm mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho người dùng.
“Các công đoạn làm hương thì đều giống nhau từ phơi khô, nghiền thảo mộc, sau đó pha chế hương liệu và cho vào máy bắn tăm, cuối cùng là phơi khô hoặc sấy rồi đóng gói lại. Tuy nhiên việc pha chế hương liệu chính là mấu chốt của quy trình làm hương, tạo sự khác biệt, đặc trưng của từng hộ sản xuất. Nên việc làm các công đoạn khác có thể có nhiều người làm, nhưng việc pha chế chỉ có một người duy nhất, thường là chủ hộ. Công thức này chỉ được trao truyền cho thế hệ kế tiếp trong gia đình để giữ bí quyết riêng.” – ông Thọ cho biết.
Cùng với tầm quan trọng của việc pha chế, những người làm nghề ở Quốc Tuấn đều cho rằng nắng tự nhiên luôn là thứ hoàn hảo nhất cho những mẻ hương tốt. Hiện đang thời điểm mùa hè, nhiều nắng nên người làng đem hương phơi khắp nơi: từ đường làng, ngõ xóm, sân đình, sân nhà văn hóa… Chỉ khi thời tiết âm u kéo dài mới phải đem hương vào lò sấy. Thường người làm nghề không ai muốn chọn cách này, vì sẽ làm giảm đi mùi thơm đặc trưng của hương. Cũng nhờ vậy, mà bất cứ ai khi ghé thăm Quốc Tuấn cũng đều được cảm nhận hương thơm thảo mộc từ khắp nơi và ngắm những bó hương đỏ rực, xòe lớn như những bông hoa trên khắp đường làng, ngõ xóm, tạo nên cảnh đẹp độc đáo cho vùng quê này. Hình ảnh này càng được tô đậm hơn khi vào dịp cuối năm, giáp Tết có nhiều đơn đặt hàng, thì các hộ làm nghề lại đôn đáo, tất bật “chạy hàng” để đáp ứng được nhu cầu.
“Dịp cuối năm, trung bình mỗi tháng nhà tôi bán được từ 300 – 400 thùng hàng. Mỗi thùng từ 2,5 đến 3 vạn nén. Lượng hương bán ra dịp này chiếm phần lớn sản lượng của cả năm. Có đợt làm không kịp bán, vì cứ làm đến đâu là thương lái tới lấy hết đến đó”, ông Nguyễn Hữu Kháng, thôn Trực Trì kể.
Không riêng nhà ông Kháng, mà hầu hết gần 100 hộ làm nghề trên địa bàn xã, càng gần Tết, nhà nào cũng tất bật: sáng, trộn bột và bắn tăm hương; chiều, tập trung vào phơi –sấy và đóng gói. Công việc không quá nặng nhọc, thậm chí từ trẻ nhỏ hay những cụ già đã ngoài 70 tuổi cũng vui vẻ tham gia phụ giúp gia đình vào những dịp này.
Bám trụ với nghề
Theo ông Nguyễn Bá Dũng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn thì nghề làm hương đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trên địa bàn xã. Nắm bắt được nhu cầu thị trường về loại hương truyền thống ngày càng lớn, nhiều hộ gia đình ở Quốc Tuấn đã mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất số lượng lớn với bí quyết gia truyền. Việc mở mang sản xuất đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khá. Hiện toàn xã có 97 hộ làm hương với khoảng 1.200 lao động, trong đó chiếm tới gần 50% người ở độ tuổi ngoài lao động (già hoặc trẻ). Thu nhập bình quân đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, nhiều chủ cơ sở sản xuất trong làng nghề có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. 3 thôn trên địa bàn xã gồm: Đông Thôn, An Xá và Trực Trì đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2006.
Nhìn chung đời sống kinh tế của các hộ dân của xã Quốc Tuấn ngày càng phát triển, góp phần đưa nghề làm hương trở thành nghề chính để phát triển kinh tế hộ gia đình của địa phương.
Niềm vui tuổi già
Tuy nhiên khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, các cơ sở tôn giáo hạn chế đón khách và dừng các hoạt động lễ hội làm ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ hàng hóa khiến nghề sản xuất hương bị đình trệ. Tới khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ổn định trở lại, thì sản lượng hàng xuất ra cũng chỉ đạt 2/3 so với thời kỳ trước.
“Hai năm gần đây sản lượng hàng xuất ra chỉ đạt 50-70% so với những năm trước. Hiện gia đình tôi chỉ làm túc tắc, hoàn toàn phụ thuộc vào đơn đặt hàng. Mặc dù khá khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất, vừa để giữ mối, vừa để giữ nghề không bị mai một.” – ông Trần Văn Thọ chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để phát huy thế mạnh của địa phương, những năm qua chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát huy những giá trị truyền thống cũng như việc phát triển, tìm hướng đi mới cho làng nghề. Địa phương đã có những nghị quyết chuyên đề về phát triển dịch vụ thương mại, đặc biệt là phát triển làng nghề theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đề án quy hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới, địa phương đã dành quỹ đất để quy hoạch khu làng nghề, vừa tạo sự tập trung trong sản xuất vừa góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó địa phương luôn chú trọng quan tâm tuyên truyền, định hướng để nhân dân duy trì phát triển nghề, gìn giữ bí quyết gia truyền, không ngừng nâng cao chất lượng, phong phú mẫu mã, tạo thương hiệu cho sản phẩm.”.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, các hộ sản xuất tạm thời phải chấp nhận với phương án “vừa làm, vừa giữ”, chờ đợi tới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, hàng hóa thông thương trở lại. Hiện nay hầu hết các hộ đều tận dụng các mối hàng quen và nhận các đơn hàng nhỏ lẻ để bám trụ với nghề. Nghề làm hương đã gắn liền với bề dày lịch sử, văn hóa của người dân Quốc Tuấn suốt bao đời nay. Tình yêu cùng quyết tâm gắn bó với nghề của người dân; sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương chính là cơ sở, động lực để nghề làm hương ở Quốc Tuấn hứa hẹn trở lại mạnh mẽ, mở rộng thị trường, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương cũng như gìn giữ một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.